Giao hàng toàn quốc - Đổi size trong 7 ngày - Freeship đơn hàng từ 500k - Cửa hàng uy tín trung tâm TP.HCM - Quần áo trẻ em hàng hiệu cao cấp

Những điểm bố mẹ cần lưu ý khi cho trẻ uống sữa lúc tiêu chảy

Những điểm bố mẹ cần lưu ý khi cho trẻ uống sữa lúc tiêu chảy

Bằng chứng từ khoa học??


Thường khi bị tiêu chảy, nhiều người nghĩ nên bỏ sữa ra khỏi chế độ ăn uống của trẻ, ngay cả trẻ nhỏ đang bú mẹ, để “tốt” cho trẻ. Lý luận của thực hành này là do khi đường ruột bị bệnh, có thể làm tổn thương trực tiếp bề mặt trong của ruột, làm ruột không sản xuất đủ men Lactase, để tiêu hóa chất Lactose - một loại đường phổ biến có trong sữa mẹ, sữa công thức làm từ sữa bò, sữa động vật và các sản phẩm từ sữa khác. Vì vậy, có thể làm tiêu chảy của trẻ nặng hơn hoặc kéo dài hơn.

Một tổng quan nghiên cứu được xuất bản vào năm 2013, so sánh việc uống sữa ở trẻ dưới 5 tuổi bị bệnh tiêu chảy cấp, giữa nhóm được cho uống các loại sữa và thức ăn bình thường có chứa lactose và nhóm được cho ăn uống đặc biệt các sản phẩm sữa và thức ăn không có lactose (lactose free — có nghĩa là đã được xử lý loại trừ lactose ra hết). Nghiên cứu này cho thấy rằng, việc sử dụng các sản phẩm không có lactose giúp tiêu chảy ngưng nhanh hơn, trung bình khoảng 18 giờ, so với việc sử dụng các sản phẩm chứa lactose bình thường. Chính từ tổng quan nghiên cứu này, mới có khuyến cáo xem xét việc sử dụng các sản phẩm sữa và thức ăn không có lactose cho trẻ nhỏ khi bị tiêu chảy cấp, để có thể rút ngắn thời bệnh tiêu chảy và từ đó, có thể giúp giảm nguy cơ các biến chứng vì bệnh, như nguy cơ mất nước, nguy cơ nhiễm trùng…

Thực sự là...

Điều quan trọng cần lưu ý là đa số các nghiên cứu trong tổng quan này bao gồm trẻ bị bệnh tiêu chảy cấp đủ nặng, cần nhập viện. Và các nghiên cứu này chỉ sử dụng trẻ uống sữa ngoài nhiều hơn bú mẹ, hoặc không bú mẹ nữa và không sử dụng trẻ đang bú mẹ hoàn toàn hoặc bú mẹ là chính. Đồng thời, các nghiên cứu đều thực hiện ở những nước phát triển, là những nơi ít có nguy cơ suy dinh dưỡng, cũng như dễ tìm các sản phẩm đặc biệt không có lactose. Hiện nay, chưa thấy có nghiên cứu kiểu này tại các khu vực đang phát triển hoặc kém phát triển.

Trong khi đó, đa số các trường hợp tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ thường nhẹ, không cần nhập viện và thường thoáng qua, với triệu chứng rầm rộ nhất trong 24 - 48 giờ đầu tiên của bệnh. Vì vậy, ở nhiều trường hợp, bệnh có thể tự hết chỉ trong vài ngày, mà không cần một chế độ ăn uống đặc biệt nào.



Một điều cần lưu ý nữa là ở trẻ nhỏ, đặc biệt những trẻ dưới 1 tuổi, nguồn sữa mẹ hoặc sữa công thức là một trong những nguồn thực phẩm quan trọng của trẻ, vừa cung cấp được nước, vừa cung cấp các điện giải và năng lượng cần thiết, quan trọng cho sức khỏe của trẻ trong khi bệnh. Khi bị ốm, những trẻ nhỏ này lại thường từ chối ăn các thức ăn dặm, cứng vì phải nhai, nuốt nhiều và thích các thực phẩm dạng lỏng hơn. Vì vậy, khi trẻ bị tiêu chảy cấp, chúng ta vẫn nên duy trì tốt việc cung cấp sữa cho trẻ uống, bên cạnh đó khuyến khích trẻ ăn chậm, từ từ các loại thức ăn thô trẻ thường ăn trước khi bị bệnh. Ở trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc bú mẹ chủ yếu, thật sự mẹ nên tiếp tục cho con bú mẹ, không nên ngưng. Ở trẻ bú/uống sữa ngoài là chủ yếu, nếu tìm được các loại sữa không có lactose dễ dàng và chi phí hợp lý, ba mẹ có thể xem xét sử dụng cho con trong thời gian bị bệnh. Nếu không, vẫn nên duy trì nguồn sữa ngoài cần thiết cho trẻ như trước khi trẻ bị bệnh.

Điểm cần lưu tâm



Trong trường hợp ba mẹ quan sát thấy rõ việc cho uống sữa làm tăng số lần tiêu chảy, hoặc tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn vài ngày và nghi ngờ có hiện tượng bất dung nạp lactose, nên cho bé đi khám bác sĩ để được thăm khám và tư vấn chế độ ăn cần thiết.

Một số ba mẹ quan niệm chỉ cần bù nước lọc cho trẻ là đủ, điều này không đúng. Vì nước lọc hoàn toàn không có dưỡng chất, cũng như không có đủ điện giải quan trọng cho trẻ, có thể làm nặng hơn tình trạng rối loạn điện giải ở trẻ, nếu có. Việc bù nước điện giải, như các loại Oresol, Hydrites... nhất là cho trẻ dưới 1 tuổi, nên cần được sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng. Lý do là nước điện giải hơi khó uống, không có vị ngon miệng cho trẻ. Bên cạnh đó, việc cho uống nước điện giải khi thật sự không cần thiết lại có thể làm giảm thèm ăn, thèm uống và giảm tiêu thụ các dạng thức ăn quan trọng cần thiết cho trẻ ở tuổi này.

Chúng mình hi vọng những thông tin khoa học được cung cấp trên đây sẽ giúp các bố mẹ đỡ lo lắng khi con gặp phải vấn đề tiêu hóa. Và một điều cũng quan trọng không kém là các bố mẹ hãy cùng bình tĩnh khi xử lý những trường hợp không mong muốn ở trẻ và tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ khi cần thiết để có được những giải đáp phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình. 

← Bài trước Bài sau →

Bình luận